Binh đoàn cánh Tây Nam - một trong 5 cánh quân tiến về Sài Gòn mùa Xuân 1975

12:42 - 30/04/2025

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Binh đoàn cánh Tây Nam (Đoàn 232) do Đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy là một trong 5 cánh quân tiến về Sài Gòn, góp công lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sư đoàn 5 (Binh đoàn cánh Tây Nam) đánh chiếm cầu Bến Lức chia cắt quốc lộ 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sư đoàn 5 (Binh đoàn cánh Tây Nam) đánh chiếm cầu Bến Lức chia cắt quốc lộ 4 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Binh đoàn cánh Tây Nam (Đoàn 232) do Đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy là một trong 5 cánh quân tiến về Sài Gòn, góp công lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trên hành trình đó, mỗi bước chân hành quân của Binh đoàn đều có sự hỗ trợ, giúp đỡ bằng công sức, xương máu của quân và dân Long An.

Tuyến đường huyết mạch

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã nêu ra không ít khó khăn và nhiều lần nhắc đến những đóng góp to lớn của quân và dân Long An. “Trên hướng Tây-Tây Nam, việc chia cắt quân địch tại lộ 4 là điểm rất khó khăn, nhiệm vụ này được giao cho Sư đoàn 5 do anh Bùi Thanh Văn (Út Liêm), sau là anh Thược làm Sư đoàn trưởng, anh Nguyễn Xuân Hòa làm Chính ủy. Cũng vì khó khăn nên Sư đoàn 5 đã xuống từ hai tháng trước đó, tìm mọi cách để cắt đứt lộ 4 trước ngày N-3, tức là làm xong trước khi toàn tuyến nổ súng tiến công 3 ngày; phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ cắt đứt đoạn từ Tân An tới Bến Lức, giải phóng Tân An, Bến Lức và giữ cho được hai đầu. Lúc đó có cô du kích tên là Sáu Sửa dẫn Trung đoàn ra cắt lộ” - Hồi ký viết.

Cô du kích Sáu Sửa được Đại tướng nhắc đến chính là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Sửa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An.

Nữ Anh hùng Trần Thị Sửa kể: Với ý đồ giữ thông tuyến đường huyết mạch để quân từ miền Tây Nam Bộ về ứng cứu Sài Gòn khi cần thiết, hoặc rút chạy về cố thủ ở miền Tây khi tình huống xảy ra, địch bố trí từ ngã ba Nhị Bình (Thủ Thừa, Long An) đến thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An, Long An) một lực lượng rất lớn, tổ chức thành nhiều tuyến phòng ngự, được hỏa lực pháo binh và không quân chi viện.

"Lúc bấy giờ tôi đang hoạt động tại quận Thủ Thừa thì được đồng chí Lê Mau, Tỉnh đội phó giao nhiệm vụ phải dẫn bộ đội cắt lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay), bởi vì đây là tuyến đường chiến lược bảo vệ đầu não của địch; tiếp quản cho bằng được quận Thủ Thừa và phát động quần chúng nổi dậy, xây dựng lực lượng và chuẩn bị khí tài, lương thực cho bộ đội," bà Trần Thị Sửa nhớ lại.

Từ ngày 9/4/1975, bộ đội chủ lực của ta thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 tiến về trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phối hợp bộ đội địa phương tổ chức đánh đồn, bốt địch và đánh, cắt lộ 4.

Tuy nhiên, việc hành quân qua sông gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, xuồng nhỏ phải ưu tiên chở vũ khí còn bộ đội phải tự lội sông trong khi quân địch tập kích rất đông phía bên kia

.“Có 12 đồng chí qua được sông nhưng bị quân địch phát hiện, bao vây ở kênh Rạch Đào. Nắm thông tin này, tôi chỉ nghĩ phải lao vào vòng vây cứu cho được đồng chí, đồng đội của mình. Nhờ thông thuộc địa hình và sự che chở của người dân, tôi đưa được 3 đồng chí là chỉ huy các đơn vị men theo các rạch, mương đào ra trú ẩn ở bờ sông. Trong lúc rút đi, vẫn nghe văng vẳng tụi nó hò hét: bắt lấy con Việt cộng,” bà Trần Thị Sửa kể lại.

Đến sáng hôm sau, người nữ anh hùng cùng với các cơ sở cách mạng, người dân địa phương tìm cách ngụy trang đưa các đồng chí ra ngoài, liên lạc với Ban chỉ huy Trung đoàn.

Tại đây, nhờ quen thuộc địa hình nên bà Trần Thị Sửa quyết đoán rằng không thể hành quân qua mũi kênh Vàm Thủ mà phải chuyển về hướng kênh Thủ Đoàn, sử dụng xuồng nhỏ để đưa vũ khí sang sông.

Nhờ vào sự anh dũng, mưu trí của nữ Anh hùng Trần Thị Sửa cùng sự phối hợp của lực lượng, nhân dân tại địa phương, bộ đội chủ lực của Sư đoàn 5 đã thuận lợi hành quân tiến đánh quân địch. Chỉ trong vòng 14 ngày (từ 9 - 20/4/1975), quân ta đã đánh hạ 37 đồn bốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch tại Thủ Thừa.

Đặc biệt, ngày 26/4/1975, ta đánh vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 22 của địch ở cầu Voi, cắt và làm chủ hoàn toàn lộ 4, vừa cắt đứt đường chi viện của các sư đoàn chủ lực địch cho Sài Gòn, đánh sau lưng sào huyệt làm thất bại kế hoạch rút quân lực về cố thủ miền Tây của địch, vừa tiến vào giải phóng thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An).

Tiến quân vào nội đô

Cũng theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, việc hóc búa nhất đối với hướng Tây-Tây Nam là vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô.

Đoàn 232 được trang bị xe, pháo các loại gần 800 chiếc nhưng phương tiện vượt sông, lực lượng công binh đều thiếu trong việc vượt sông Vàm Cỏ Đông phải giữ bí mật, tiến hành vượt sông ban đêm và chiếm lĩnh tuyến xuất phát tấn công cũng vào ban đêm trong một khu vực địch còn kiểm soát.

Trước tình hình đó, lực lượng và nhân dân địa phương Long An đã chặt và bó hàng nghìn bó cây, phân tán cất giấu nhiều nơi, đảm bảo địch không hay biết để chuẩn bị vượt sông.

Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua.

Ông Trần Văn, nguyên Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong miền Nam kể lại: “Ngày 20/4/1975, đồng chí Ba Mới (Nguyễn Văn Mới, Bí thư Tỉnh ủy Long An) gọi chúng tôi sang để trao đổi về nhiệm vụ phải chuẩn bị vận chuyển vũ khí về sông Vàm Cỏ Đông để qua Đức Hòa, phục vụ cho Sư đoàn 3 (thuộc Đoàn 232) do đồng chí Đỗ Quang Hưng chỉ huy. Chúng tôi sau đó bàn bạc với nhau huy động lực lượng trong các cơ quan đoàn, hội phụ nữ nhưng chỉ được mấy chục người. Sau đó, tôi mới nảy ra ý nghĩ là vận động thanh niên trốn lính đang ẩn nấp trong các chùa cùng tham gia. Lực lượng tăng lên nhanh chóng, chúng tôi thành lập hai đơn vị với hình thức như thanh niên xung phong ngày đêm vận chuyển đạn dược phục vụ bộ đội. Khi xe tăng bắt đầu hành quân thì bị mắc lầy ở Mỹ Quý Tây (Đức Huệ, Long An), chúng tôi cùng với các anh công binh phải tìm mọi cách để đưa xe qua, nhân dân trong vùng đã tháo nhà, tháo giường lấy gỗ để lót đường cho xe qua.”

Nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, lực lượng chủ lực của Binh đoàn cánh Tây Nam thuận lợi hành quân đánh chiếm các cứ điểm trên vành đai bảo vệ Sài Gòn của địch, thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến lược, mở bàn đạp sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu được phân công trong nội thành Sài Gòn.

Ngày 28/4, các đơn vị của Binh đoàn tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn, đánh chiếm một số mục tiêu, cắt mọi đường giao thông thủy bộ, triệt để cô lập Sài Gòn.

Sư đoàn 3 đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh-Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ; Sư đoàn 5 cắt đứt hoàn toàn Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đến Tân An; Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Mỹ Hạnh, Đức Hòa; các Trung đoàn 24, 88 đánh chiếm các căn cứ mở rộng khu vực đứng chân phía bắc Cần Giuộc và làm chủ đường số 5.

Ngày 29/4, Binh đoàn đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài.

Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, chi khu Đức Hòa, chi khu Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông; Sư đoàn 5 tiếp tục giữ vững Quốc lộ 4, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch; Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom

.Và trong ngày 30/4 lịch sử, các đơn vị đồng loạt tổng công kích vào nội thành. Trong đó, Sư đoàn 5 đánh chiếm, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa (Long An).

Còn Sư đoàn 9 vượt qua ngã tư Bảy Hiền, đánh chiếm Biệt khu thủ đô, Trung tâm rađa Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ.

Trung đoàn 16 đánh chiếm khu Xa cảng miền Tây, An Lạc, Bình Điền. Trung đoàn 24 đánh chiếm bốt cảnh sát Quận 8, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia; Trung đoàn 88 đánh chiếm Đa Phước, Ông Thìn, khu Nhà Bè.

Đến 11 giờ ngày 30/4, các đơn vị của Binh đoàn cánh Tây Nam đã tiến công loại bỏ hoàn toàn Sư đoàn 22, các liên đoàn biệt động quân cùng các lực lượng địa phương quân đội Việt Nam Cộng hòa, cắm cờ Giải phóng trên nóc nhà Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, dinh tỉnh trưởng Long An và các căn cứ khác.

Một số mũi thọc sâu của Binh đoàn đã phát triển hợp điểm với các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất bước vào kỷ nguyên xây dựng và phát triển, nhưng nữ Anh hùng Trần Thị Sửa không khỏi xúc động khi nhớ về thời khắc lịch sử cách đây 50 năm.

“Lúc bấy giờ khi quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần của quần chúng rất sôi nổi, hào hứng khi tiến lên lộ 4. Bà con đã hô vang “giặc đã thua rồi, quân giải phóng đã về” đầy khí thế.

Vui mừng vì những thành tựu mà quân và dân ta đã đạt được, nhưng cũng không thể nào quên những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

Thậm chí, có những người đã ngã xuống ngay trước mắt tôi, chỉ trước thềm giải phóng vài giờ đồng hồ”, nữ anh hùng Trần Thị Sửa xúc động chia sẻ./.

Nguồn: Binh đoàn cánh Tây Nam - một trong 5 cánh quân tiến về Sài Gòn mùa Xuân 1975 | Vietnam+ (VietnamPlus)