Hòa trong không khí trọng đại của đất nước sau 50 năm thống nhất non sông, hàng triệu con tim người dân đất Việt trong cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới yêu chuộng hòa bình hướng về Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Ai ai cũng rạng rỡ, tự hào, cảm nhận được ý nghĩa của độc lập, tự do, hòa bình của đất nước.
Từ tối 29/4 và rạng sáng 30/4, hàng chục ngàn người đã đổ về các ngả đường ở khu vực trung tâm và các trục đường hướng về khu vực tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn.
Dọc các trục đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Điện Biên Phủ... người dân đã tập trung từ rất sớm với sắc phục đỏ cùng với cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng trên tay.
Hòa cùng niềm vui của rất nhiều người đứng bên đường Nguyễn Đình Chiểu, chị Phạm Lê Thảo Nhung, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sáng nay, chị cùng hai con Gia Phúc và Phú Quý dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ đến đây xem lễ diễu binh. Do nhà ở gần ngay trung tâm Thành phố, nên gia đình chị đã có cơ hội xem hợp luyện 3 lần, nhưng mọi người vẫn háo hức muốn được xem trong lễ chính thức.
“Trong những lần trước, chứng kiến niềm vui của các con cũng như những người xung quanh chào đón các chiến sỹ diễu binh, tôi thực sự xúc động và tự hào vì mình là người Việt Nam, được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Tôi mong những lần như thế này sẽ giúp vun đắp cho các con có thêm tình yêu quê hương đất nước để từ đó sống và học tập xứng đáng là người con của Việt Nam thân yêu,” chị Phạm Lê Thảo Nhung chia sẻ.

Nổi bật giữa đám đông đang đứng chờ bên đường cạnh chợ Bến Thành với bộ trang phục áo đỏ sao vàng rực rỡ của cả gia đình, chị Phan Thị Thu Nguyệt, quận Tân Phú cho biết, cả gia đình chị đã háo hức đi từ Tân Phú lên trung tâm thành phố từ 2 giờ sáng. Qua đường Lê Lợi nhưng đông quá nên đã vòng qua Tao Đàn gửi xe để đi bộ ra đây.
"Sống ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013, tôi đã coi đây như như quê hương thứ hai của mình. Những ngày vừa qua, ngày nào tôi cũng theo dõi các sự kiện về kỷ niệm 30 tháng 4 trên tivi nên rất muốn được tận mắt chứng kiến diễu binh. Cũng biết còn mấy tiếng nữa mới được gặp các đội diễu binh, nhưng giờ đã thấy hồi hộp, tự hào vì được cùng chồng và các con được trải nghiệm sự kiện trọng đại này,” chị Nguyệt vui vẻ cho biết.
Trong bộ trang phục quân đội lấp lánh huân huy chương trên ngực, ông Lê Mạnh Trung, 75 tuổi, một cựu chiến binh từ Đồng Nai cho biết, ông được cháu đưa xuống Thành phố Hồ Chí Minh từ chiều qua và lựa chọn đầu đường Nguyễn Huệ làm nơi chờ đoàn diễu binh đi qua.
Dẫu có chút mệt mỏi sau một đêm không ngủ ngon giấc, nhưng giọng ông vẫn hồ hởi khi chia sẻ cảm nghĩ niềm vui được đón ngày đại lễ ở thành phố mang tên Bác.
“Tôi từng là người lính cầm súng chiến đấu trên chiến trường, từng chứng kiến đồng đội hy sinh. Vì thế tôi hiểu giá trị của hòa bình, độc lập, tự do đã phải trả bằng xương máu của biết bao người. Được nhìn thấy thế hệ con cháu trưởng thành, phát triển là niềm vui, tự hào của những người đi trước. Nhìn thấy mọi người xung quanh háo hức chờ xem duyệt binh, tôi càng thấy thêm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, thêm tự hào vào truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc của nhân dân ta,” ông Lê Mạnh Trung cho biết.
Tươi tắn trong bộ trang phục truyền thống chờ diễu hành cùng khối Văn nghệ- thể thao- truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tại đầu đường Lê Duẩn, nữ Nghệ nhân dân ca ví dặm Thanh Tú chia sẻ cô rất vui và cũng rất tự hào, hạnh phúc được có mặt tại đây và rất biết ơn cha ông đã nằm xuống, để lại cho người dân hôm nay một đất nước hòa bình, tự do, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.
“Nay đi diễu hành tôi có mang theo cơi trầu, vì các cụ ta xưa kia vẫn nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” thể hiện tình cảm và sự gắn kết trong nền văn hóa của người Việt. Từ miếng trầu gửi gắm thông điệp về sự gắn kết, yêu thương, sự đoàn kết của mọi người,” Nghệ nhân Thanh Tú chia sẻ với chất giọng đặc trưng của người dân vùng quê xứ Nghệ.
Đôi chút hồi hộp nhưng không giấu được niềm tự hào trong giọng nói, Trung tá Nguyễn Thành Luân, Giáo viên hướng dẫn khối diễu binh nữ Sĩ quan Thông tin cho biết: “Tôi rất vinh dự, tự hào xen lẫn với sự hồi hộp và háo hức khi được có mặt tại đây, trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Qua những tháng ngày huấn luyện, luyện tập của cán bộ và chiến sĩ với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết và quyết tâm, chúng tôi tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễu binh, đóng góp vào sự thành công chung của buổi lễ, mang lại những ấn tượng sâu sắc cho người dân Thành phố mang tên Bác trong ngày đại lễ của dân tộc.”
Sự náo nức của hàng vạn người dân trên những con đường trung tâm Thành phố và hàng triệu triệu người dân Việt Nam chờ đón chiêm ngưỡng lễ diễu binh, diễu hành qua truyền hình, mạng xã hội như một lời khẳng định Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là một sự kiện chính trị trọng đại mà còn là một ngày hội lớn của nhân dân, nơi hàng triệu trái tim con dân đất Việt nhớ về lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến trường chinh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước, để cùng nhau phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.