Khởi tố vụ án xâm phạm 'nhãn hiệu' không cần yêu cầu của bị hại

12:17 - 21/10/2021

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 

Chiều ngày 20/10, Quốc hội đã thảo luận Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc sửa đổi khoản 1 Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra “khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”.

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) đưa ra thực tế, có một số vụ việc dù cơ quan điều tra làm hết khả năng, song do một số điều kiện khách quan nên không thể tiến hành đầy đủ việc điều tra, từ đó không thể kết luận điều tra, hết thời hạn điều tra cũng không kết thúc được. Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh là cần thiết, hơn nữa sau này vẫn có thể khôi phục điều tra trở lại. 

IMG_1619

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia phát biểu tại thảo luận Tổ ĐBQH số 2 chiều 20/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Là cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS sửa đổi, Viện KSND Tối cao nhận thấy quy định tại Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Theo đó, tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 1 dự thảo BLTTHS sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại; sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của BLHS để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêucầu khởi tố.

_TAN9467 copy

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận chiều 20/10. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo Khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS. Tuy nhiên, VKSND Tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Theo Viện KSND Tối cao, đề nghị này xuất phát từ việc hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại Khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 1 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc thực hiện “khởi tố xâm phạm nhãn hiệu không cần yêu cầu của người bị hại” là quá trình “nội luật hoá” cần thiết khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí cần thiết sửa đổi BLTTHS đối với quy định về bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.

(Tổng hợp baochinhphu.vn - https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Sua-doi-Bo-luat-To-tung-hinh-su-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te/450263.vgp)

Lê Sơn.

 

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khoi-to-vu-an-xam-pham-nhan-hieu-khong-can-yeu-cau-cua-bi-hai-d169066.html