Kỳ án Lê Thảo Nguyên: Cần phải thay đổi địa vị tố tụng giữa bị cáo và bị hại
12:54 - 08/11/2021
“Các anh sai rồi, dừng lại đi... đừng cố”
Sau 02 lần TAND tỉnh Thanh Hóa hủy án sơ thẩm của TAND thị xã Nghi Sơn, ngày 2/11/2021, TAND thị xã Nghi Sơn tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ 3 đối với bị cáo Lê Thảo Nguyên, (giáo viên trường Bồi dưỡng cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", hiện bị cáo đang bị tạm giam đã 3 năm.
Điều bất thường trong phiên xét xử lần 3 là, HĐXX không đề cập tới toàn bộ những điều mà bản án phúc thẩm lần 2 yêu cầu làm rõ.
Cụ thể, bộ hồ sơ xin việc của anh Hà Phương - con trai của bị hại là bà Mai Thị Tuyết và ông Hà Trọng Tân, có dấu hiệu giả mạo mà phiên sử sở thẩm lần 2, LS Trần Đình Triển đã đề nghị khởi tố ngay tại tòa (điều này đã được thư ký Tòa ghi chép lại).
Phiên xử nào cũng vậy, trình bày trước HĐXX, lời đầu tiên bị cáo Lê Thảo Nguyên luôn đề nghị HĐXX triệu tập ông Hà Trọng Tân, vì ông Tân là nhân chứng quan trọng và là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tới việc ký giấy tờ và hồ sơ vay vốn, là người nhận tiền của bị cáo đã trả lại (theo lời bị cáo Nguyên khai).
Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm lần 3 này, ông Tân tiếp tục vắng mặt, đồng nghĩa với việc không thể thực hiện cho các nhân chứng đối chất theo yêu cầu của bản án phúc thẩm đã nêu.
Trình bày trước tòa, bị cáo Nguyên đưa ra bằng chứng để chứng minh bị cáo và bị hại là tình thầy trò cũ, rất thân thiết và là người cùng quê hương, cha bị cáo Nguyên cũng là một thầy giáo..
Vì thế bị cáo không thể có hành vi gian dối thầy, hơn nữa thầy biết rõ học trò con ai, gia đình như thế nào và hiện công tác ở đâu.
Một điều quan trọng nữa, bị cáo đề nghị HĐXX đưa ra hành vi nào thể hiện bị cáo gian dối, chiếm đoạt, bị cáo sẵn sàng ngồi tù đủ 15 năm.
Hàng loạt các dẫn chứng mà LS Trần Đình Triển, người bào chữa cho bị cáo Nguyên đưa ra những tình tiết vi phạm tố tụng của Cơ quan tố tụng Nghi Sơn như; việc niêm phong 02 chiếc điện thoại của bị cáo không đúng pháp luật, chưa làm rõ và chính xác bị hại đưa tiền cho bị cáo ở đâu, Hà Nội hay Nghi sơn.
Tờ giấy nhận tiền mà bị cáo Nguyên viết đưa cho bị hại, LS đề nghị chỉ ra bản nào là bản chính và đơn tố cáo của bà Mai Thị Tuyết hiện đang ở đâu, ai giữ?..
Tại các bút lục, bà Tuyết khai: “Đi vay ngân hàng để lấy tiền đưa cho bị cáo Nguyên” nhưng khi LS Triển đi thu thập chứng cứ thì không có tên bà Tuyết vay ngân hàng. Vậy bộ hồ sơ thế chấp ngân hàng ấy lấy từ đâu, là thật hay giả?
Mấu chốt của vụ án là tờ giấy nhận tiền và 02 bộ hồ sơ xin việc, trong khi cả 02 bộ hồ sơ có dấu hiệu giả mạo như đã trình bày ở phiên tòa trước.
Toàn bộ câu hỏi trên được LS Triển trình bày trước HĐXX, thế nhưng, 02 điều tra viên được triệu tập tới tòa và vị đại diện thực hành quyền công tố tại tòa trả lời rất quanh co hoặc từ chối câu hỏi của Luật sư nêu.
Phiên tòa trở nên gay gắt hơn, khi màn "đấu trí" giữa các Luật sư và điều tra viên, kiểm sát viên, về việc niêm phong 02 chiếc điện thoại, cũng như việc thu thập tài liệu khác.
Điều tra viên trình bày trước HĐXX và cho rằng, việc Cơ quan điều tra niêm phong 02 chiếc điện thoại của bị cáo là đúng luật, việc bắt giữ bị cáo từ Hà Nội đưa vào Nghi Sơn cũng đúng luật, ngoài ra điều tra viên không bình luận, không có ý kiến gì, thậm chí không trả lời về những câu hỏi mà các luật sư đưa ra.
Điều này khiến LS Triển bức xúc: "Tôi hỏi nhưng các anh phải có nghĩa vụ trả lời cho HĐXX biết, chứ không phải trả lời cho tôi nghe. Chúng ta nên sòng phẳng với nhau để làm rõ mọi vấn đề.".
"Bà Tuyết khai trong các bút lục và tại phiên tòa hôm nay “tôi đưa tiền cho bị cáo Nguyên có anh Lê Doãn Lục và anh Lương Ngọc Hải làm chứng” nhưng tôi tra ngược lại thì ngày đưa tiền đúng ngày 2 tết âm lịch.
Có ai đi xin việc cho con, đưa một đống tiền lại cho người khác biết không, vì đây là chuyện rất tế nhị. Hơn nữa, bà Tuyết thừa nhận không yêu cầu viết giấy nhận tiền nhưng bị cáo tự ý viết.
Tội lừa đảo phải thỏa mãn, có hành vi gian dối và chiếm đoạt, vậy căn cứ nào cho rằng bị cáo Nguyên chiếm đoạt và gian dối?.
Việc các nhân chứng trả lời bất nhất, trả lời khiên cưỡng như vậy có đủ căn cứ để buộc tội thân chủ của tôi không? ”.

Toàn cảnh phiên toà.
"Anh Hà Phương chưa từng học đại học nhưng lại có bằng cử nhân, hồ sơ xin việc bị tẩy xoá. Tại phiên tòa, anh Hà Phương thừa nhận mình chưa từng học đại học. Tại sao HĐXX không đề cập tới hồ sơ giả mạo mà còn tách ra thành vụ án khác?"- LS Triển đặt câu hỏi.
Có lẽ quá mệt mỏi, bị hại thốt lên câu nói "tôi chỉ đòi tiền lại của tôi thôi, tôi không muốn đưa ai vào tù cả".
LS Trần Thị Thanh Lam đối đáp với bị hại: “Nếu chỉ muốn lấy lại tiền thì tại sao ông Tân không chịu đưa giấy tờ gốc ra để nhận lại tiền? Hai yếu tố quan trọng nhất để buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt nhưng cả hai yếu tố này đều không có tài liệu nào chứng minh, vậy kết tội bị cáo căn cứ vào đâu ?”, LS Lam nêu.
Phần tranh tụng, các Luật sư tập trung nhiều nhất đó là lời khai nhân chứng bất nhất, có dấu hiệu giả mạo hồ sơ xin việc, dấu hiệu giả mạo hồ sơ vay vốn ngân hàng nhưng đại diện VKS không có câu trả lời.
Cuối cùng, LS Triển đối đáp với đại diện VKS: “Đây là vụ án ngược, người lừa đảo thì ngoài vòng pháp luật, người giúp đỡ, tử tế thành kẻ lừa đảo. Các anh sai rồi nên dừng lại đi, đừng cố nữa. Ai mới là người bị hại trong vụ án này?”- LS Triển phân tích..
Có dấu hiệu "hình sự hoá quan hệ dân sự"
Không rõ lý do gì, ngày xét xử thứ 2, bị hại là bà Mai Thị Tuyết và anh Hà Phương bỗng dưng "biến mất" khỏi phiên tòa nhưng HĐXX không đề cập.
Tiếp đến LS Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm: “Trải qua 5 phiên tòa, đây là phiên sơ thẩm lần thứ 3 cho thấy Cơ quan tố tụng không có căn cứ nào chứng minh bị cáo phạm tội lừa đảo, có dấu hiệu "hình sự hoá quan hệ dân sự" và nhiều sai phạm về tố tụng.
Ông Hà Trọng Tân là Hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học và vợ là bà Mai Thị Tuyết (là giáo viên) có tên trong giấy biên nhận tiền ngày 15/2/2014, ông ấy nhiều lần đi đòi tiền.
Tại sao cơ quan tố tụng không xác định ông Tân là bị hại, không thu thập chứng cứ xác minh làm rõ vai trò và trách nhiệm của ông Tân?.
Đây là thiếu sót nghiêm trọng trong tố tụng. Nếu đưa ông Tân tham gia tố tụng thì sẽ làm rõ được bản chất của vụ án. Không ai lừa ông ấy và không ai lừa được ông Tân trong chuyện này.
Ông Tân và bà Tuyết phải hiểu rằng, bằng cấp của con trai mình là Cao đẳng nghề loại “TB. Khá” thì không thể xin việc được vào trường Đào tạo Cán bộ Truyền thông. Câu hỏi đặt ra là ai lừa dối ai. Ai mới là bị hại thật sự ? Vụ án này cần phải thay đổi địa vị tố tụng giữa bị cáo và bị hại mới đúng luật"- LS Cường lập luận.
Về mặt pháp lý, LS Cường bóc tách ti mỉ: "Vợ chồng ông Tân, bà Tuyết đưa 300 triệu đồng và bộ hồ sơ có nhiều tài liệu nghi giả mạo (bằng đại học, lý lịch, hợp đồng lao động, bảng điểm...) cho học trò cũ là Lê Thảo Nguyên để "lo công việc" cho con trai mình là anh Hà Phương. Giấy biên nhận tiền không ghi thời hạn thực hiện, không ghi là lo công việc gì.
Khi học trò yêu cầu đưa lại giấy biên nhận tiền gốc để trả lại tiền thì ông Tân không đưa mà báo Công an.
Hơn nữa, người đưa tiền và người nhận tiền có quan hệ thân thiết, biết quá rõ về nhau, người đưa tiền là người có học thức, có hiểu biết, nhiều năm công tác trong ngành giáo dục thì liệu học trò có lừa được không ?.
Nếu ông Tân bà Tuyết là người bị hại, bị thiệt hại, bị lừa đảo thì việc gì phải trốn tránh, quanh co, không dám đối chất?"- LS phân tích.
Về phía LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại hầu như không đưa ra ý kiến phản biện gì, mà chỉ đề nghị HĐXX thực hiện theo điều luật đã quy định.
Đây là vụ án mà hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần, xét xử nhiều lần nhưng Cơ quan tố tụng Nghi Sơn vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục để buộc tội bị cáo...Tuy nhiên, sau 3 ngày xét xử, nghị án 1 ngày HĐXX tuyên bị cáo 9 năm tù giam.
Một vụ án với 30 lệnh tạm giam, 03 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm cơ quan tố tụng chưa khép tội được bị cáo. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Lê Thảo Nguyên và trả tự do cho bị cáo.
Hơn 3 năm qua, ông Lê Trường Ngọc, cha đẻ bị cáo Nguyên đội đơn đi các nơi để kêu oan cho con trai ông, sức khỏe ông đã cạn kiệt nhưng ông vẫn luôn tin tưởng vào lẽ công bằng và mong chờ một cái kết có hậu đên với con trai mình.
Pháp luật plus tiếp tục đưa tin về vụ án./..
Nhóm PVPL
https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ky-an-le-thao-nguyen-can-phai-thay-doi-dia-vi-to-tung-giua-bi-cao-va-bi-hai-d170218.html